Cách tưới nước và bón phân cho lan hồ điệp Lan hồ điệp là loài đơn thân không có giả hành tích nước nên khả năng chịu hạn kém, tuy nhiên lan hồ điệp khá khó tính với độ ẩm, nếu quá ướt hoặc độ ẩm quá cao khiến cây dễ bệnh thối nhũng hoặc bệnh do vi khuẩn. Lan hồ điệp chỉ ưa tích ẩm vừa phải và phát triển tốt trong môi trường thoáng khí và có ánh sáng nhẹ. Tưới nước cho lan hồ điệp : Tùy giá thể bạn nên tưới khi cảm thấy giá thể đã khô nước, với dớn trắng thì hạn chế tưới nhiều, nếu dùng than kèm sơ dừa thì tưới an toàn hơn cho người ít kinh nghiệm (do độ giữ nước kém nên không sợ dư nước hoặc dư ẩm) Để phòng bệnh cho lan hồ điệp bạn có thể tưới cây 2 lần trong tuần bằng nước vôi loãng hoặc nước trà xanh, chủ yếu tưới để rữa lá chứ không cần đẫm gốc (cách này tuyệt đối an toàn). Phương pháp dùng thuốc hóa học khử trùng diệt nấm như Physan-20 cũng có thể dùng nhưng không tốt cho sức khỏe và môi trường. Do điều kiện khí hậu Việt Nam mưa nhiều nên cần làm mái che bằng tôn nhựa trong cho lan hồ điệp. Nguyên nhân là nước mưa có thể làm hư lá cây lan hồ điệp non lẫn lan hồ điệp trưởng thành. Lan hồ điệp tối kị tưới đêm, tốt nhất là tưới vào buổi sáng và cần chấm dứt tưới trước 4h chiều, nước đọng qua đêm trên lá có thể tạo môi trường vi khuẩn sinh sôi làm cây dễ bệnh. Lan hồ điệp không cần ánh sáng quá nhiều, chỉ cần ánh sáng vừa đủ để đọc sách là được, lan hồ điệp kị nắng chiếu trực tiếp từ 9h sáng tới 4h chiều, cần bố trí lưới che thích hợp các hướng để tránh nắng chiếu trực tiếp. Bón phân cho lan hồ điệp : Lan hồ điệp cần bón phân đều đặn trong các thời kì trong năm, mỗi thời kì sẽ cần loại phân khác nhau, thông thường sẽ tưới 1 tuần 1 lần theo công thức 1g/1l nước. Thường dùng là NPK (hãng Growmore), công thức 30-10-10 dành cho lan nhỏ, 20-20-20 dành cho lan trưởng thành từ 6 tháng trở lên, 10-30-20 dành cho giai đoạn kích ra hoa. Có nhiều ý kiến nên tưới phân như thế nào, có người cho rằng tưới loãng mà thường xuyên sẽ thúc cây mau lớn, tuy nhiên việc tưới thường xuyên sẽ mất thời gian và có rủi ro là cây dễ bị thối nhũng hoặc hư rễ do úng nước (do người tưới ít kinh nghiệm về quan sát độ ẩm), ý kiến khác thì khi tưới phân sẽ tưới đẫm sau đó chờ giá thể khô sẽ tưới lại (thường khoảng 3-7 ngày tùy giá thể, dớn thì có thể giữ ẩm tới 7 ngày sau khi tưới), khi tưới lại cũng là tưới phân (nước là phân – phân là nước). Ngoài ra còn có thể bổ sung các vi lượng cho lan hồ điệp bằng cách tưới nước vo gạo loãng hoặc nước trà. Sự thông gió cho lan hồ điệp : Sự thông gió Ở lan Hồ điệp điều cần thiết, là một yếu tố có liên hệ đến các bệnh thối nhũng thường gặp ở lan hồ điệp. Sự thông gió càng nhiều cây càng ít bệnh vì nó giúp cây mau khô sau khi tưới. Tuy nhiên, một sự thông gió quá mạnh dễ làm cho cây mất nước và hư lá. Gió với tốc độ 10-15km/giờ tương đương với cấp số 3 và 4 của Beaufort là tốt nhất. Do đó tùy nơi trồng với tốc độ gió như thế nào ta phải dùng giá thể hợp lý. Cần sắp xếp các cây hợp lý, tránh mật mộ quá dầy, che khuất lẫn nhau khiến cây dễ bệnh và thiếu ánh sáng. Chậu, giá thể, cách trồng lan hồ điệp : Một Cách trồng lan hồ điệp (cũng như các loại lan đơn thân khác) là chậu thật thoáng, càng thoáng càng tốt, có thể đến mức cực đoan chỉ dùng chậu như giá thể duy nhất, tuy nhiên chỉ áp dụng cho nơi nào điều kiện ẩm độ ổn định, sự thông gió không đổi và nhất là khí hậu thật điều hòa (điều kiện lí tưởng này rất ít nơi có). Do đó chậu phải thật sạch, không có dấu vết của bất kỳ một loài rêu nào bám trên thành chậu. Thông thường theo kiểu trồng công nghiệp của Đài Loan là dùng 100% dớn mềm và chậu nhựa trong để trồng lan hồ điệp. Ở Hà Lan thì dùng mảnh vụn vỏ cây và một ít dớn để trồng trong chậu nhựa lục giác, bạn có thể xem các video ở bài Trồng lan hồ điệp công nghiệp ở Hà Lan để xem cách trồng của họ. Ở Việt Nam thì một số nơi dùng chậu đất nung truyền thống và than kèm theo dớn (hoặc xơ dừa), số khác thì theo cách của Đài Loan, theo đánh giá của mình thì dùng chậu đất và than là cách trồng bền vững, an toàn cho đa số người trồng ít kinh nghiệm cũng như nhà vườn. Khi thay chậu (bằng đất nung) cho cây gặp trường hợp rễ bám chặt thì ra có thể ngâm nước (nếu có thể thì pha thêm nước trà xanh) cho tới khi rễ mềm thì có thể lấy cây ra và thay chậu. Thông thường nếu lan hồ điệp có bộ rễ tốt (dài và có nhiều đầu rễ xanh non) thì việc hồi phục và phát triển sau khi thay chậu là khá nhanh. Nếu có nhiều kinh nghiệm chăm sóc lan hồ điệp kiểm soát tốt độ ẩm cho cây thì bạn hoàn toàn có thể trồng trong chậu như bất kì loại cây nào khác và để trên bàn làm việc.